Rầm rộ tìm lao động thú y, chăn nuôi trình độ cao
Các bài liên quan đến ngành: Chăn nuôi thú y
** Thông tin tuyển sinh Trung cấp chăn nuôi thú y: http://www.kenhtuyensinhhcm.edu.vn/2016/08/tuyen-sinh-trung-cap-chan-nuoi-thu-y.html
(Người Chăn Nuôi) -
Trước đây, nhiều sinh viên học chăn nuôi, thú y khi mới ra trường thường phải
chọn làm "trái tay". Nay, họ được các công ty, phòng khám "trải
thảm" mời về, trả lương cao, lại còn được đào tạo lại. "Bác sĩ thú y"
đang là từ khóa được tìm nhiều nhất trong các ngành học liên quan nông nghiệp,
trên các trang tìm kiếm hiện nay.
Việc cần người
Mấy tuần qua, chị TN cố
gắng thông qua mọi kênh giới thiệu việc làm, bạn bè và những hội nhóm trên mạng
xã hội để đăng tin tuyển dụng bác sĩ thú y. Mức lương cho vị trí này không thấp
hơn 20 triệu đồng/tháng và vị trí này sẽ có việc làm ngay sau buổi phỏng vấn
đạt yêu cầu. Chị TN cho biết, yêu cầu đặt ra cho vị trí bác sĩ thú y là phải
giỏi tiếng Anh, vì sẽ phải bay sang Australia, New Zealand trực tiếp tuyển chọn
những con bò giống đạt chất lượng trước khi nhập về Việt Nam.
Công ty nơi chị TN đang
làm việc là một công ty liên doanh Việt Nam - Ấn Độ, sẽ nhập khẩu khoảng 600
con bò giống về bán lại cho nông dân ĐBSCL. Hay mới nhất, trên một diễn đàn về
chăn nuôi, một công ty có văn phòng tại TP Hồ Chí Minh đăng tin tuyển bác sĩ
thú y làm việc ở Nhật Bản; số lượng 6 người; yêu cầu chỉ tốt nghiệp đại học
chăn nuôi thú y hoặc bác sĩ thú y. Theo phía Công ty, chỉ cần đáp ứng đủ tiêu
chí đề ra, người lao động không phải bận tâm về thu nhập và đãi ngộ khác; người
trúng tuyển có thể bảo lãnh người nhà sang Nhật.
Chuyện các công ty liên
tục đăng tin tìm kiếm ứng viên là bác sĩ thú y sẽ còn diễn ra nhiều, đặc biệt
khi các tỉnh, thành phố đang "nóng" với câu chuyện doanh nghiệp, nhà
nhà cùng nuôi bò sữa. Vì thế, nhu cầu tuyển dụng bác sĩ thú y vẫn là câu chuyện
nóng của các công ty chăn nuôi.
Hiện, lực lượng thú y viên ở nước ta còn thiếu - Ảnh: Hoàng Vũ |
Song, với nhiều người
trong cuộc, sự hấp dẫn của đồng lương chưa phải là yếu tố quyết định họ nhảy
việc. Anh Lê Văn Thành, một bác sĩ thú y mới đây quyết định ra làm riêng bằng
cách mở một phòng khám thú y ở Quận 3, TP Hồ Chí Minh, thay vì làm việc cho một
công ty chăn nuôi. Lý do khiến anh Hoàng thay đổi bước ngoặt là tìm thấy cơ hội
kinh doanh từ ngành chăn nuôi.
"Khi kinh tế phát
triển, nhiều người bắt đầu nuôi chó, mèo và thường xuyên đem thú cưng đi kiểm
tra sức khỏe ở phòng khám thú y. Nhận thấy người dân có nhu cầu này nên sau khi
tích lũy được một số tiền, tôi mở phòng khám để tự do kinh doanh", anh
Thành giải thích lý do bỏ ngang việc khác lương cao để vào việc này.
Cùng với sự phát triển
kinh tế, nhiều gia đình có điều kiện xem chó, mèo như những thú cưng nên chỉ
cần một triệu chứng nhỏ họ cũng mang vật cưng của mình đi khám bác sĩ. Đây
chính là mảnh đất cho các bác sĩ thú y như anh Thành tác nghiệp.
Ngoài việc chữa trị các
bệnh về chó, mèo, về khoảng cách phòng khám thú y của anh Thành gần Củ Chi, Long
An, Bình Dương, những địa phương đang phát triển mạnh số lượng bò sữa. Khi có
việc, bất kể ngày đêm, nông dân chỉ cần gọi một cuộc điện thoại, khoảng một giờ
sau đã có bác sĩ thú y đến thăm bệnh cho bò, còn nếu "cầu viện" các
công ty chăn nuôi thì phải chờ hôm sau. Vì thế, phòng khám của anh trở thành
địa chỉ đáng tin cậy của nhiều hộ dân chăn nuôi bò. Sau một thời gian hoạt
động, hiện nay anh Thành có 3 bác sĩ thú y cùng làm việc, mỗi người phụ trách
một tỉnh để khi có cuộc gọi là đến ngay nhà nông dân sớm nhất có thể. Công việc
bận rộn đến mức anh đang có ý tuyển thêm vài bác sĩ thú y nữa để phụ việc.
Tuyển chuyên môn trước,
đào tạo sau
Đối tượng anh Thành muốn
tuyển dụng là các sinh viên chăn nuôi, thú y mới ra trường để đào tạo.
"Giờ đăng tin tuyển dụng bác sĩ thú y có kinh nghiệm làm việc lâu năm khó
lắm, một số muốn có phòng khám riêng như tôi, một số khác chỉ đồng ý về làm
việc với mình nếu trả lương cao, nên cách tốt nhất là tự đào tạo nguồn lực cho
mình", anh Thành nói.
Theo một giảng viên Khoa
Chăn nuôi, Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, hầu hết sinh viên của Khoa ra
trường đều có việc làm và phần nhiều trong số đó được coi là trái ngành học, vì
trở thành nhân viên kinh doanh thuốc thú y hơn là làm việc trực tiếp với ngành
học của mình. "Lâu nay, thường sinh viên tốt nghiệp đại học chuyên ngành
thú y đều muốn vào làm việc tại cơ quan nhà nước, các viện, trung tâm nghiên
cứu, hay một số công ty chăn nuôi gia súc, gia cầm…; nhưng số lượng được tuyển
không nhiều nên dù có muốn hay không, nhiều người phải trở thành nhân viên công
ty kinh doanh thuốc thú y, số khác đi mở cửa hàng thuốc thú y hơn là làm việc
đúng ngành", vị này cho biết.
Theo phía các công ty có
tuyển dụng bác sĩ thú y, đa phần sinh viên học về chăn nuôi, thú y mới có kiến
thức sách vở, chưa có kinh nghiệm thực hành, nhiều người trong số đó rất yếu về
ngoại ngữ. Do đó, để tuyển được những sinh viên hay bác sĩ thú y có tiếng Anh
đủ nói chuyện trực tiếp với người nước ngoài, luôn là rào cản trong tuyển dụng.
Cũng vì lý do này, một
số công ty khi đăng thông tin tuyển dụng bác sĩ thú y, sinh viên mới tốt nghiệp
không yêu cầu về ngoại ngữ mà họ tuyển sẵn một nhân viên chuyên làm nhiệm vụ
dịch thuật để hỗ trợ khi cần. Chưa bao giờ bác sĩ thú y lại "được
giá" như lúc này.
>> Trong các đợt tuyển sinh những năm gần đây, ngành nông,
lâm, ngư ít được thí sinh quan tâm. Tuy nhiên, nhóm ngành này có rất nhiều cơ
hội kiếm việc làm, bởi Nhà nước đầu tư rất lớn, đặc biệt là chăn nuôi và thú y,
để thúc đẩy sản xuất.
Út Phương
Các bài liên quan đến ngành: Chăn nuôi thú y
** Thông tin tuyển sinh Trung cấp chăn nuôi thú y: http://www.kenhtuyensinhhcm.edu.vn/2016/08/tuyen-sinh-trung-cap-chan-nuoi-thu-y.html