banner 1
banner 2
banner 3
banner 4

Nghề cao quý

Xưa nay, nghề y và nghề giáo luôn được xem là cao quý nhất. Nhưng thời gian gần đây, cả hai đều đang là tâm điểm của nhiều chỉ trích. Môi trường y tế bị “nói ra nói vào” vì vấn nạn nhận bao thơ một cách “có hệ thống”, môi trường học đường không khá hơn, thường xuyên nghe “nói vào nói ra” về chuyện ép học sinh học thêm hàng loạt.



Mặt trái nghề nghiệp thì ở đâu cũng có, nhưng đến mức có hệ thống và hàng loạt thì đáng để nhìn lại. Vốn dĩ chẳng ai muốn mang tiếng xấu, đặc biệt khi đã dấn thân làm “nghề cao quý”…
Nghĩ kỹ, tình cảnh nghề giáo và nghề y ở Việt Nam hiện nay có nhiều mặt giống nhau một cách kỳ lạ, đặc biệt về những nguyên nhân gây nên các vấn nạn nói trên. Một điểm dễ nhận thấy là chế độ lương bổng tại các cơ sở công lập của cả hai nghề này đều thấp đến mức “không thể thấp hơn”. Thấp so với mặt bằng chung của xã hội và thấp so với các đồng nghiệp làm cho tư nhân. Người viết có anh bạn tốt nghiệp thạc sĩ với điểm số cao, lại được chọn thực tập cuối khóa ở Pháp. Ngay lập tức, anh được một đại học có mở chương trình quốc tế nhận về dạy. Lương ngay năm đầu tiên đi làm đã ở mức mười mấy triệu đồng/tháng. Hỏi thì anh cười không trả lời, nhưng ai cũng hiểu: lương của chàng tân giảng viên cao hơn lương của mẹ mình là phó giáo sư đã giảng dạy vài chục năm ở một đại học công lập hàng đầu TP.HCM.
Dù sao, lương giảng viên đại học vẫn còn dễ thở nếu so với thu nhập của giáo viên các bậc học thấp hơn. Lương tháng cơ bản cộng với tất cả các khoản bên lề (tăng tiết, ngoài giờ…) của một thầy/cô dạy cấp 3, thâm niên thuộc loại “sắp về hưu” xấp xỉ 6 triệu đồng. Giáo viên trẻ mới ra trường thì chỉ được một nửa. 3 triệu đồng ở những đô thị đắt đỏ như TP.HCM nuôi thân còn phải thắt lưng buộc bụng, nuôi gia đình chỉ có nước… thở ngắn than dài.
Ngành y cũng không khá khẩm hơn. Trầy vi tróc vẩy thi vào trường y, thức đêm thức hôm 6 năm trời học hành, tốt nghiệp ra trường, nếu vào làm ở bệnh viện công, các bác sĩ trẻ phải ngậm ngùi với mức lương “trọn gói” ở tầm 4-5 triệu đồng. Bác sĩ làm việc lâu năm cũng chỉ có thể chạm ngưỡng 7-8 triệu đồng. Mổ một ca đại phẫu chưa được đến 100.000 đồng, trách nhiệm của bác sĩ lại vô cùng nặng nề khi mỗi đường dao, mũi kéo có thể hệ lụy đến sinh mạng của bệnh nhân. Bác sĩ đã thế, thu nhập của những nhân viên y tế khác (điều dưỡng, chẩn đoán hình ảnh, vật lý trị liệu…) còn “thê thảm” hơn. Trong khi đó, đồng nghiệp của họ ở những bệnh viện tư sống dễ thở hơn hẳn: mức lương “cứng” dao động từ 7 - 10 triệu, những bác sĩ thâm niên cao và phẫu thuật nhiều thu nhập 20-30 triệu đồng/tháng là chuyện bình thường.
Trên phông nền không mấy sáng sủa này, việc bác sĩ hay thầy cô giáo tìm cách cải thiện thu nhập là hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, việc bác sĩ “tối mặt tối mày” ở phòng mạch hay thầy cô giáo khản giọng ở lớp ngoài giờ là điều đáng tiếc, dù họ không làm gì trái với đạo đức nghề nghiệp. Một giảng viên ĐH Y dược TP.HCM kể lại dịp sang Nhật học khóa ngắn hạn, anh thấy thư viện các phòng, khoa của Bệnh viện Đại học Juntendo (Tokyo) sau giờ làm việc vẫn luôn có rất đông bác sĩ, kỹ thuật viên y tế. Anh nhận định một cách “ghen tị”: “Lượng kiến thức của ngành y là khổng lồ và được cập nhật liên tục. Để theo kịp, tôi và đồng nghiệp ở VN luôn cố gắng học thêm nhưng không thể nào có nhiều thời gian như họ. Bình thường, “chạy sô” xong là 8-9 giờ tối rồi, quay qua quay lại nửa đêm lúc nào không hay”. Thời gian để đầu tư cho chất xám của các bác sĩ, thầy cô giáo đã phải san sẻ bớt với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Và họ không có lựa chọn nào khác.